Từ ngày 01/7/2015, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp; việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty. Trước quy định mới này, đã có những phản hồi khá tích cực. Tuy nhiên, cũng có không ít những phản hồi tiêu cực, những lo lắng, băn khoăn về việc trao toàn quyền cho doanh nghiệp trong việc quản lí con dấu như vậy. Liệu rằng, quy định như vậy có dẫn đến việc lợi dụng, lừa đảo, tranh chấp liên quan đến quản lý, sử dụng con dấu hay không? Con dấu vốn là tài sản quý giá của doanh nghiệp vì nó là duy nhất, không thể có cái thứ hai, thì nay doanh nghiệp có thể có bao nhiêu con dấu cũng được. Quy định mới này sẽ khiến cho giá trị của con dấu không còn như trước kia.
Như trường hợp một công ty có thể có từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên (chẳng hạn, có hai Giám đốc trở lên trong một công ty), số lượng con dấu thì không hạn chế, mỗi Giám đốc có thể có một con dấu. Liệu có thể có tình huống các giám đốc đồng thời ký và đóng dấu vào các văn bản khác nhau nhưng có nội dung trái ngược nhau hay không và biện pháp xử lý như thế nào? Không những thế, việc làm giả con dấu để sử dụng vào những giao dịch nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, hay những giao dịch mờ ám sẽ gây hậu quả khá lớn cho phía doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những tranh chấp về quản lý, sử dụng con dấu trước kia do Cơ quan Công an (là cơ quan bảo vệ pháp luật, rất có kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm) xử lý, nên thường thuận lợi và nhanh chóng. Theo khung pháp lý mới, việc xử lý những tranh chấp về quản lý, sử dụng con dấu dự kiến sẽ được thực hiện ở Tòa án. Do vậy, vấn đề lo ngại đặt ra là các vụ việc tranh chấp kiểu này nếu được đưa ra Tòa án để xử lý sẽ luôn có quy trình phức tạp, với thời gian xử lý kéo dài.
Tuy vậy, dù có nhiều nguy cơ rủi ro hay không thì chúng ta vẫn sẽ thực hiện và tuân thủ theo cơ sở pháp lý mới. Khi cơ chế quản lý trở nên thông thoáng hơn, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải thay đổi thói quen sử dụng con dấu cho phù hợp với cơ chế mới. Cần phải thay đổi tư duy lệ thuộc vào con dấu như là một dấu hiệu pháp lý quan trọng nhất thể hiện tính hợp pháp, hợp lệ của văn bản. Trong tương lai sẽ có nhiều văn bản nếu hai bên tự thỏa thuận hoặc điều lệ, quy chế của công ty quy định là không phải sử dụng con dấu thì văn bản vẫn hợp lệ, hợp pháp. Muốn như vậy, các doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, nghiên cứu nhiều quy định có liên quan để các văn bản có giá trị ngay sau khi ký chứ không phải chờ đến việc “hợp pháp” hóa qua con dấu nữa. Việc này cũng giống như chúng ta phải thích nghi với cơ chế thông thoáng, thay vì cơ chế chặt chẽ như trước kia. Nói tóm lại, việc thay đổi quy định về con dấu theo Luật Doanh nghiệp 2014 đã hướng tới những lợi ích tích cực cho phía doanh nghiệp nhưng cũng tạo ra những kẽ hở nhất định. Việc pháp luật đã thay đổi theo hướng hướng đến lợi ích của các doanh nghiệp cũng là một tín hiệu đáng mừng, nhưng sớm hạn chế được tối đa các kẽ hở trong quy định này sẽ giúp cho việc thực thi pháp luật cũng như kiểm soát các sai phạm dễ dàng hơn.
Nguồn: Tin tổng hợp trên mạng