Việc IPPG của “Vua hàng hiệu” Hạnh Nguyễn bước chân vào lĩnh vực phân phối công nghệ khiến không ít doanh nghiệp quen thuộc trong mảng này phải dè chừng, đặc biệt là FPT Retail, đơn vị sở hữu chuỗi phân phối Apple chính hãng F Studio.
Mới đây, Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPPG) của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết sẽ chính thức khai trương chuỗi cửa hàng kinh doanh bán lẻ và dịch vụ sửa chữa cao cấp chuẩn Apple mang tên eDiGi vào ngày 10/9 tới.
IPPG khẳng định eDigi là 1 trong 2 cửa hàng cao cấp chuẩn Apple đầu tiên trên thế giới kinh doanh bán lẻ và cung cấp dịch vụ bảo hành ngay trong cùng một địa điểm. Cửa hàng eDiGi đầu tiên có quy mô 250 m2, đặt tại số 2 Công Xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là cửa hàng ủy quyền của Apple đầu tiên đạt 2 tiêu chuẩn APR (Apple Premium Reseller) và ASP (Apple Service Provider) tại Việt Nam.
Lợi thế của “Vua hàng hiệu”
Tập đoàn IPP thành lập giai đoạn 1985 với hoạt động ban đầu là kinh doanh đa ngành, xuất khẩu song may, sản xuất móc khóa kéo và xây dựng nên khách sạn 14 tầng cao nhất ở Nha Trang lúc bấy giờ. Sang thập niên 90, IPP chuyển hướng sang kinh doanh siêu thị, cửa hàng miễn thuế. Gia đình ông Hạnh Nguyễn lập nên các siêu thị Citimart, Maximark, Miền Đông và Bình Dân.
Từ năm 2007, tập đoàn này kinh doanh thời trang xa xỉ và kinh doanh nhượng quyền. IPP cũng là đơn vị đưa Burger King, Domino Pizza, Dunkin’s Donut vào Việt Nam. Ông Hạnh Nguyễn còn được mệnh danh là ông vua hàng hiệu khi IPP nắm 70% thị phần nhóm hàng cao cấp, 40% hàng trung cao cấp. Hiện IPP có 38 thương hiệu cao cấp từ Versace, Chanel, Cartier, Burberry.
Vốn kinh doanh trong ngành hàng hiệu nên IPP đã quá quen với những tiêu chuẩn khắt khe của các thương hiệu cao cấp quốc tế. Ngoài ra IPP có mặt bằng tại các trung tâm thương mại lớn như Tràng Tiền Plaza,.. đây cũng là lợi thế rất lớn khi IPP nộp hồ sơ trở thành đại lý cấp 1 của Apple.
Đại diện FPT Retail cũng từng chia sẻ những yêu cầu khắt khe của Apple nếu muốn trở thành một Đại lý ủy quyền cấp 1 (APR) của Apple. Theo đó các doanh nghiệp phải làm việc với cả đội tài chính APAC của Apple, sau khi được chấp thuận qua các đơn vị cấp vùng sẽ được chuyển đến Apple World Wide tại Mỹ.
Hay như về thiết kế chi tiết cho cửa hàng cũng phải chờ mẫu của đội thiết kế Apple bên Mỹ, toàn bộ nội thất đều phải nhập khẩu. Apple còn đặt ra tiêu chuẩn rất cao trong việc thiết kế và bài trí các sản phẩm tại cửa hàng. Hay trong cửa hàng phải có các khu trưng bày riêng biệt cho từng nhóm sản phẩm từ iMac, MacBook Pro, Macbook Air, iPad, iPhone tới phụ kiện. Vị trí đặt bảng giá, banner, tờ rơi, catalogue cũng phải theo đúng như thiết kế. Thậm chí khoảng cách giữa các sản phẩm với nhau và bảng giá tới sản phẩm cũng theo quy định.
Với FPT Retail là người mới cần chứng minh mình là ai với Apple tuy nhiên với IPP trên nền tảng sẵn có về thị trường hàng hiệu, điều này sẽ đơn giản hơn nhiều.
Khi khách hàng là thượng đế sang chảnh
Vốn dĩ kinh doanh hàng hiệu, thời trang hơn 10 năm nên IPP sở hữu tập khách hàng phân khúc cao cấp. Đây là những đối tượng có khả năng chi trả cũng như chuộng các thương hiệu lớn như iPhone.
Hiện 2 công ty con của IPP LÀ ACFC & DAFC hiện là nhà phân phối chính thức của các thương hiệu danh tiếng thế giới như Mango, Dune, French Connection, Calvin Klein, Banana Republic, Gap, Levi’s, Versace,…
Hai công ty này có thành lập nên câu lạc bộ khách hàng thân thiết và dành những đặc quyền ưu đãi cùng như cập nhật thông tin khuyến mãi. Thậm chí với mức doanh số tích lũy của khách hàng trong vòng 12 tháng lớn hơn 100 triệu đồng, mức chiết khấu có thể lên đến 10-20%.
Như vậy, việc IPP lấn sân sang phân khúc phân phối Apple có thể xem như việc mở thêm 1 nhãn hàng cao cấp trong danh mục của mình thay vì xem như một sản phẩm công nghệ đơn thuần. Từ đó có thể thấy việc kinh doanh các sản Apple của IPP lợi thế hơn hẳn các công ty công nghệ khi có thể kết hợp bán chéo cùng các sản phẩm thời trang cao cấp khác.
Cánh tay nối dài
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực hàng hiệu, ăn uống, IPP Group còn đầu tư lớn vào hạ tầng sân bay. Cụ thể tập đoàn này là cổ đông lớn nhất sở hữu 30% cổ phần của CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) – chủ đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
ACFC và DAFC cũng đang sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO và là cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp này chỉ sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV.
SASCO hiện nắm giữ 100% thị phần lĩnh vực bán hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn thu chính của SASCO đến từ 3 hoạt động chính là kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ tại trung tâm thương mại và dịch vụ phòng chờ thương gia sân bay.
Vì vậy việc phân phối kinh doanh danh mục hàng chục thương hiệu thời trang hàng đầu như Burberry, Chanel, Versace, CK, Salvatore Ferragamo, phân phối rượu cao cấp Moet-Hennessy, Camus cho tới nhượng quyền thương mại Burger King, Donimo Pizza, Illy Café… của IPP tại sân bay cũng trở nên dễ dàng hơn.
Do đó ngoài mở cửa hàng eDiGi tại trung tâm Tp. Hồ Chí Minh thì không loại trừ khả năng tập đoàn này sẽ mở cửa hàng Apple tại các sân bay. Mô hình này đã xuất hiện trên thế giới có thể kể đến như tại sân bay quốc tế King Khalid tại Riyadh, Ả rập Xê-út. Cửa hàng này theo mô hình shop-in shop với sự hợp tác cùng Virgin Megastore của tập đoàn Virgin.
Một trường hợp khác là iStudio tại Singapore với cửa hàng đầu tiên tại sân bay quốc tế Changi. Đây là cửa hàng Apple đầu tiên và duy nhất cung cấp các giao dịch miễn thuế cho khách hàng khi đến sân bay Changi. Kể từ cửa hàng đầu tiên, iStudio mở tiếp các cửa hàng ra các trung tâm mua sắm khác tại quốc đảo này như Paragon, Plaza Singapura, Change Alley, Compass One.
Đi trước một bước
Một điểm khác biệt của IPP so với các nhà phân phối Apple tại Việt Nam là tiêu chuẩn ASP (Apple Service Provider). Theo thông tin từ Apple, với tiêu chuẩn ASP, các công ty được ủy quyền cung cấp dịch vụ sửa chữa cho tất cả khách hàng của Apple.
Và các công ty này được hưởng những quyền lợi như hoàn trả chi phí lao động, linh kiện để sữa chữa và bảo hành do Apple bảo hành hoặc thỏa thuận dịch vụ mở rộng. Chỉ những nhà cung cấp ASP mới được nhập linh kiện, bộ phận trực tiếp từ Apple để sửa chữa, được hiển thị thông tin trên hệ thống định vị của Apple,…
Như vậy có thể hiểu đơn giản cửa hàng của IPP xuất hiện trên bản đồ toàn cầu của Apple từ đó đối tượng khách hàng được mở rộng không chỉ là người Việt Nam mà còn là khách quốc tế. Ngoài ra những khách hàng mua hàng xách tay được bảo hành cũng có thể đến với cửa hàng này để được bảo hành.
Trong buổi Roadshow của FPT Retail mới đây, ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc FPT Retail cũng từng cho biết định hướng tương lai của công ty này là tăng cường dịch vụ kèm theo với các sản phẩm Apple trong tương lai. Bởi thực tế Việt Nam làm chưa tốt dịch vụ mua bán hàng Apple, và FPT Retail kỳ vọng sẽ làm tốt điều này nhằm cung cấp một cách đầy đủ những dịch vụ chính hãng như tư vấn, hướng dẫn sử dụng từ đó chăm sóc tốt hơn người mua hàng. Từ đây có thể thấy điều mà FPT Retail rất muốn chính là nhận được tiêu chuẩn ASP của Apple để nâng cao dịch vụ.
Với những động thái được xem như đi trước 1 bước của IPP, FPT Retail không thể không dè chừng trước một người chơi mới nhưng đầy tiềm lực trong ngành phân phối công nghệ cao cấp hiện nay.
Theo Kim Thủy
Trí thức trẻ