Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cột mốc lịch sử vào năm 2020 với nhiều nền tảng quan trọng cho một phần tư thế kỷ tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào những thành quả, nền tảng mà doanh nghiệp tạo ra hôm nay.
Trong khi kinh tế khu vực và toàn cầu suy giảm thì tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á và thế giới với trên 7% trong năm nay. Việt Nam có môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp, cán cân thương mại thặng dư kỷ lục – trên 9 tỷ USD. Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán đích 500 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục chưa từng có.
Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính Nhà nước được củng cố, nợ công từ trên 64% năm 2016 xuống chỉ còn 56% GDP. Thu hút dòng vốn quốc tế tiếp tục tăng cao, trên 32 tỷ USD, giải ngân trên 17,7 tỷ USD – con số cao nhất trong các năm gần đây. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45% từng khiến nhà lãnh đạo Myanmar trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét là “đáng kinh ngạc”.
Trong thời đại toàn cầu hóa và đột phá về công nghệ, doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì chính khu vực doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, là nơi có động lực cạnh tranh và sáng tạo để phát triển mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong trong việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc. Khát vọng chính là cội nguồn của năng lượng, sức mạnh tiềm ẩn để mang đến thành công và sẽ cất cánh mạnh mẽ, bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành mũi nhọn tại một số ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó khu vực kinh tế nhà nước được củng cố, hiệu quả hơn với một chiến lược rõ ràng hơn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ sáng tạo, nâng cao giá trị. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vượt khó đi lên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, bên cạnh thành công, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển mà bằng chứng là mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, phá sản; đã có nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải.
Đây cũng là lý do vì sao Chính phủ liên tục tổ chức nhiều hội nghị lớn, nhỏ về phát triển doanh nghiệp kể từ đầu nhiệm kỳ. Theo đó, cần phải gỡ những nút thắt, làm cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Phải tập trung xử lý để các loại hình doanh nghiệp Việt Nam tăng về số lượng, phát triển về chất lượng và bền vững.
Dân tộc Việt Nam có khát vọng lớn và mãnh liệt là đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng Xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21. “Vì vậy, tôi tin rằng năm 2020 phải là năm đạt nhiều nền tảng quan trọng cho một phần tư thế kỷ tới. Liệu chúng ta có vươn lên đến cột mốc lịch sử đó hay không phụ thuộc rất lớn vào những thành quả, nền tảng mà doanh nghiệp tạo ra hôm nay”, Thủ tướng bày tỏ.
Cần chỉ rõ cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, dọa nạt doanh nghiệp
Theo Thủ tướng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ phải không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.
Do đó, Thủ tướng cho rằng cần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ, các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cung cấp điện nước… Đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương, đá qua đá lại: “Cần chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế”.
Thủ tướng đề nghị nêu những thách thức, sức ép, khó khăn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến sự phát triển của doanh nghiệp như thế nào. Đề xuất vai trò kiến tạo, hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, tăng sức cạnh tranh, vượt qua các thách thức.
“Tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế để Chính phủ hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế – xã hội 2020 cũng như kế hoạch phát triển 5 năm 2021 – 2025”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất giải pháp cải thiện và nâng cao sự tương tác, năng lực phối hợp và hành động giữa bộ, ngành với địa phương một cách đồng bộ, xuyên suốt, hướng đến giúp địa phương thu hút đầu tư bền vững, hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình cà phê doanh nhân và rất nhiêu mô hình lãnh đạo đối thoại với doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thủ tướng khẳng định cam kết sẽ cùng tham gia, đồng hành, đối thoại thẳng thắn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, trở ngại để doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo.
Với doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng doanh nghiệp không được làm ẩu và vi phạm pháp luật. Còn các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án thực sự trân trọng quyền con người, quyền công dân, quyền kinh doanh, quyền tài sản theo Hiến pháp và pháp luật với một tinh thần cởi trói, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững.
TheLEADER