Hiện nay việc các sản phẩm sáng tạo và sáng chế được bảo vệ đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp và cá nhân quan tâm, bởi nó đảm bảo sự độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu… và các tài sản vô hình khác cho doanh nghiệp hoặc cá nhân trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, việc đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,… với cơ quan nhà nước sẽ là căn cứ để pháp luật sở hữu trí tuệ giúp phân xử trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh cố tình sao chép và bắt chước.
Các luật sư nổi tiếng hiện nay đều khuyên các nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp hãy bắt đầu bảo hộ ít nhất là nhãn hiệu. Trong hầu hết các trường hợp, nhãn hiệu chưa có giá trị vào thời điểm khai trương sản phẩm nhưng sự thành công của sản phẩm sẽ làm tăng giá trị nhãn hiệu ngay lập tức và trở thành một bộ phận quan trọng về hình ảnh và bản sắc của sản phẩm.
Dưới đây là 5 loại hình sở hữu trí tuệ phổ biến nhất và những kiến thức căn bản cần biết:
Bằng độc quyền sáng chế mang lại cho chủ sở hữu độc quyền ngăn cấm người khác khai thác thương mại sáng chế trong một thời hạn nhất định đổi lại việc họ phải bộc lộ sáng chế cho công chúng.
*Chú ý: sáng chế còn có thể được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng 2 điều kiện sau: a) có tính mới b) có khả năng áp dụng công nghiệp. Khác với bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền hữu ích chỉ có hiệu lực trong 10 năm.
Theo luật Việt nam, mọi dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc đều có thể trở thành nhãn hiệu được bảo hộ nếu nó có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu với hàng hóa, dịch vụ của bên khác.
*Hầu hết các văn bản pháp luật ở Việt Nam chỉ dùng từ nhãn hiệu, chứ không dùng từ thương hiệu. Vì vậy trong phạm vi bài viết này có thể coi 2 từ này là 1.
*Nhãn hiệu khác tên thương mại. Tên thương mại là tên gọi đầy đủ của doanh nghiệp.
*Logo công ty là một loại nhãn hiệu.
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Quyền tác giả là phần cốt lõi của pháp luật nhằm trao cho tác giả, nghệ sĩ và các nhà sáng tạo khác sự bảo hộ cho những sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học
Thông tin kinh doanh bí mật bất kỳ tạo cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh có thể được coi là bí mật kinh doanh. Bí mật kinh doanh này chỉ được bảo hộ khi nó không phải là hiểu biết thông thường và nó được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết.
Ngoài ra, một sản phẩm duy nhất có thể được bảo hộ bởi nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau.
Khi doanh nghiệp đưa ra một sản phẩm mới ra thị trường, phải xem xét cái gì trong sản phẩm của mình là thu hút khách hàng nhất? Cái gì là làm sản phẩm của mình khác biệt hơn? Đặc điểm kỹ thuật sáng tạo? Kiểu dáng sản phẩm? Thương hiệu? Hay là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau? Tùy theo đặc điểm của thị trường, sự chú trọng và nguồn lực có thể được dành cho một hoặc nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau trong một sản phẩm cụ thể.