Hiện nay, nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng với nhiều nền kinh tế trên thế giới, việc sử dụng ngoại ngữ cực kỳ phổ biến. Trung tâm ngoại ngữ ra đời vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa mang tính nhân văn cho xã hội. Công ty luật Blue xin tư vấn thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ năm 2017 như sau:
Theo nghị định 46/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 21 tháng 4 năm 2017
Điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ theo quy định mới
Doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức thành lập trung tâm ngoại ngữ không phân biệt ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật hay tiếng Trung Quốc sẽ phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều kiện này yêu cầu người thành lập trung tâm ngoại ngữ phải thực hiện thủ tục xin xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn việc hoạt động dạy ngoại ngữ tại địa bàn là phù hợp với quy hoạch giáo dục của địa phương.
2. Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học xác định rõ: Mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm.
Hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ phải được lập thành đề án rõ ràng để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và nắm bắt được các thông tin quản lý chuyên ngành như số lượng học viên, đối tượng hướng tới,…
3. Có cán bộ quản lý, giáo viên, kỹ thuật viên giảng dạy lý thuyết, thực hành bảo đảm trình độ chuyên môn theo quy định; kế toán, thủ quỹ đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm. Số lượng giáo viên phải bảo đảm tỷ lệ trung bình không quá 25 học viên/1 giáo viên/ca học.
4. Có đủ phòng học, phòng chức năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; phòng làm việc cho bộ máy hành chính theo cơ cấu tổ chức của trung tâm để phục vụ công tác quản lý, đào tạo. Phòng học đủ ánh sáng, có diện tích tối thiểu bảo đảm 1,5 m2/học viên/ca học.
5. Có giáo trình, tài liệu, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập theo yêu cầu của chương trình đào tạo; có thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ.
Đăng ký ngành nghề kinh doanh như thế nào để thành lập trung tâm ngoại ngữ
Doanh nghiệp khi thành lập trung tâm ngoại ngữ cần lưu ý việc đăng ký ngành nghề kinh doanh theo dạng:
1. Lựa chọn mã ngành 8559 giáo dục khác chưa được phân vào đâu.
2. Ghi chi tiết: Trung tâm ngoại ngữ trong ngành nghề kinh doanh, tránh sai sót giống như một số doanh nghiệp chỉ ghi “dạy ngoại ngữ và kỹ năng đàm thoại” giống như hướng dẫn của quyết định 337/2007/QĐ-BKHĐT.
3. Doanh nghiệp thành lập mới thường không được phòng Đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận thông tin đăng ký doanh nghiệp (Trong đó có ngành nghề kinh doanh) nên cần hoàn thiện việc xin cấp giấy tờ này trước khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập trung tâm ngoại ngữ.
Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ
1. Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (nếu được Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền) quyết định đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc; các trung tâm ngoại ngữ, tin học thuộc trường trung cấp; các trung tâm ngoại ngữ, tin học do các tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập;
2. Giám đốc các trường đại học, học viện, hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng quyết định đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc hoạt động của đơn vị mình.
3. Người đứng đầu tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được pháp luật cho phép thành lập các trung tâm đào tạo trực thuộc có thẩm quyền quyết định đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học trực thuộc.
Đối với hoạt động trung tâm ngoại ngữ trực thuộc doanh nghiệp thì thẩm quyền cấp phép thường là Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo. Thời hạn giấy phép đối với hoạt động của trung tâm ngoại ngữ dạng bán chuyên nghiệp chỉ là 01 năm và được gia hạn nhiều lần.
Các bước thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép trung tâm ngoại ngữ
– Bước 1: Doanh nghiệp, tổ chức đăng ký hoạt động trung tâm ngoại ngữ nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa Sở giáo dục và đào tạo.
– Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trung tâm;
– Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trên thực tế khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định và ghi kết quả vào biên bản thẩm định;
– Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 49 nghị định 46/2017/NĐ-CP quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa quyết định cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do.
Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ bao gồm:
1. Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục;
2. Quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp;
3. Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;
4. Báo cáo về trang thiết bị làm việc của văn phòng; lớp học, phòng thực hành, cơ sở phục vụ đào tạo trong đó phải có văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm;
5. Chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học;
6. Danh sách trích ngang đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giảng dạy;
7. Các quy định về học phí, lệ phí;
8. Chứng chỉ sẽ cấp cho học viên khi kết thúc khóa học.
Mọi vấn đề thắc mắc liên quan đến thành lập trung tâm ngoại ngữ, quý khách hàng liên hệ Luật Blue để được tư vấn miễn phí.